Jack Ma: Giá trị cạnh tranh cốt lõi của Alibaba là gì?

04-01-2017

Hôm 19.3 Jack Ma đã có buổi thuyết trình công khai tại Giảng Đường Bách Niên của Đại học Bắc Kinh. Tuy là buổi thuyết trình cho các sinh viên ở Đại Học Bắc Kinh nhưng chúng ta có thể thấy được ngôn từ PR mạnh mẽ từ Jack Ma, một cách marketing khéo léo, đầy lôi cuốn và chân thật.

Bài dưới đây đã được dịch lại từ trang mạng Letter from CEO của Nguyễn Phương Thy. 

Jack Ma

Tôi không hiểu về tech, nhờ thế công nghệ của Alibaba là mạnh nhất trong BAT

Chú thích: BAT là viết tắt của 3 công ty lớn nhất trong lĩnh vực Internet của TQ. B= Baidu; A= Alibaba; T=Tencent

Mọi người luôn cho rằng, các kĩ năng về tech của Alibaba là tệ nhất trong nền Internet TQ. Robin Li của Baidu rành về tech, Ma Huateng học về tech, chỉ có Jack Ma là cái gì cũng không học, có vẻ như Jack Ma rất tệ.

Kì thực, chính vì tôi không hiểu về tech, nên công ty chúng tôi mới giỏi nhất về nó.

Chúng tôi tôn trọng tech, nhưng chúng tôi không hiểu về nó, vì thế chúng tôi không cách nào cự cãi được. Giả dụ tôi cũng hiểu về tech, thì đội ngũ Tech của công ty tôi chắc là đau khổ lắm, cứ vài ngày tôi lại bảo họ phải làm thế này, làm thế kia. Chính vì tôi không hiểu, tôi mới hiếu kì, mới ngưỡng mộ nhìn cách họ nói, và nghe theo họ, chúng ta nên làm thế này thế kia.

Thực tế chính là thế, điện toán đám mây của Alibaba có thể phát triển thế này ở TQ, kể cả trên trường thế giới, nguyên nhân cốt yếu nhất là do tôi không hiểu về tech. Đây không phải là câu chuyện cười. 6 năm trước, WangJian biết, phương hướng phát triển của Alibaba là ở đâu, chúng tôi cho rằng, Big Data là phương hướng phát triển trong tương lai, điện toán đám mây là hướng đi của tương lai. Nhưng rốt cuộc là phải làm thế nào, phát triển kĩ thuật 5K, 5000 máy chủ, Moon project bla bla, đội tech nói nhiều từ chuyên ngành mà tôi không hiểu. Nhưng tóm lại tôi biết hướng đi này là tương lai của công ty, bất luận thế nào, cũng phải cắm đầu mà làm cho ra.

Nhưng sau đó Tencent, Baidu bỏ cuộc, nguyên nhân chủ yếu là do lãnh đạo của họ biết rõ là làm không được, nhưng tôi không biết cái này làm không được. Tôi thật sự không biết nó khó đến thế, nên chỉ nói là bất luận cái quỉ đó khó thế nào, nhất định phải làm cho ra. Trên mạng nhiều người nói, bao gồm cả nội bộ công ty cũng chửi, bảo là Jack Ma bị WangJian dụ rồi, cái điện toán đám mây đó không bao giờ thành hiện thực, hợp nhất 5000 máy chủ, tôi chẳng cách nào hiểu được. Nhưng tôi cho rằng, nếu chúng ta sở hữu kĩ thuật này và có thể dùng nó để giải quyết những vấn đề xã hội, thì phải kiên trì mà làm tiếp.

Thế là, lúc đó cũng chả nghĩ nhiều, dự trù hao tổn, rồi nhân lực, vốn, chúng tôi nhất nhất đầu tư hết vào, cuối cùng chúng tôi tìm được lối thoát. Vì thế, tôi nghĩ, chính vì tôi không hiểu công nghệ, ừm, không hiểu nó cũng chẳng sao, nhưng phải tôn trọng công nghệ, yêu mến công nghệ. Đây chính là một ý kiến của tôi, giải thích vì sao Alibaba thành công như ngày hôm nay.

Tôi đi một vòng thế giới, cuối cùng nhận ra, Alibaba mới là đích đến thực sự của ước mơ — Nhưng tôi cũng đố kị Tencent

Lần này tôi đi qua nhiều nước, 7 ngày đi 6 thành phố, 3 quốc gia, bao gồm Los Angeles, New York, Washington, Paris, Rome, rồi về TQ. Nhớ về những lời cô bạn Daishan từng chia sẻ về ước mơ, tôi tự hỏi ước mơ của tôi là gì? Tôi xuất thân là dân học ngoại ngữ, ước mơ lớn nhất là sáng thức dậy ở Paris, trưa ở London và tối ở Buenos Aires, nhưng giờ tôi mới biết, đó không phải là cuộc sống mà tôi muốn, sống như thế rất cực, lệch múi giờ đến phát điên, ăn uống không quen vị, ngôn ngữ thì thay đổi liên tục, thật sự rất cực.

Nhưng trên đường đi, tôi học được nhiều điều, cũng suy nghĩ rất nhiều thứ, hiểu thêm được nhiều việc.

Hôm nay, đến đây cùng mọi người chia sẻ, tại sao Alibaba có thể sống được tới hôm nay, chúng tôi đã sinh tồn như thế nào? Alibaba là một công ty rất may mắn, bạn cũng có thể nói nó hên. Hơn 10 năm qua, hàng ngàn công ty Internet thành lập, chúng tôi có thể vùng vẫy đến tận hôm nay, chính vì trong suốt 15 năm nay, chúng tôi chưa một lần từ bỏ sứ mệnh của mình.

Ngày đầu mới thành lập, công ty chúng tôi rất nhỏ, chỉ 18 người, ở ngay tại nhà tôi. Tôi đề ra một lí tưởng quá lớn, đó chính là phải làm sao để trên đời này không có ai là không kinh doanh được. Thời ấy làm Thương Mại Điện Tử (TMĐT) rất khó, mọi người đều cho rằng, TMĐT của TQ là không đáng tin tưởng, Internet của TQ còn không sống nổi, đừng nói chi đến TMĐT. Ngày hôm nay, TMĐT rất hot, điều này không phải là thành công của ngày hôm nay, mà là suốt 15 năm qua, chúng tôi kiên trì từng ngày, từng tháng, chống chọi với bao nhiêu cám dỗ, lúc ấy mọi người hẳn biết, tin nhắn là kiếm tiền nhiều nhất, tiếp theo là game, đủ loại mô hình quảng cáo ra đời, lẽ nào chúng tôi chưa một lần động lòng trước những món béo bở đó? Đương nhiên là có, kì thực, đôi lúc áp lực không đáng sợ, mà cái đáng sợ chính là những cám dỗ.

Chúng ta chỉ nhìn là người ta kiếm được nhiều tiền, nhưng chúng tôi một cắc cũng không có, tự hỏi có đố kị không? Đố kị chứ! Nói chi xa, chỉ 2 năm về trước thôi, doanh thu 1 năm của chúng tôi còn không bằng doanh thu 1 quý của Tencent, chúng tôi đương nhiên đố kị, khó khăn lắm hôm nay mới dí kịp, thì hỡi ôi lại xuất hiện Wechat.

Alibaba sống được là vì đâu?

Dù thế, chúng tôi vẫn cứ không nghe lời, nếu hỏi bạn sống vì hôm nay hay vì tương lai? Bạn sẽ trả lời thế nào? Kì thực, Aliababa có một xuất phát điểm rất quan trọng, mỗi một người ngồi tại đây đều từng hỏi chính mình, bạn có gì, bạn muốn cái gì, bạn từ bỏ cái gì. Hơn 10 năm Alibaba không ngừng trăn trở, sau ngần đó năm chúng tôi phát triển, có những thứ dường như không hề thay đổi bao nhiêu.

Chính vì, chỉ có suy nghĩ như thế, nếu như bạn xác định 10 năm sau việc này sẽ xảy ra, rồi bắt tay chuẩn bị từ hôm nay, rồi nỗ lực ròng rã 10 năm, 10 năm sau, việc đó thực sự xảy ra rồi, cơ hội của bạn đến rồi. Vì thế, dự đoán tương lai là việc mà Alibaba đã làm và đang làm.

Những gì hôm nay bạn suy nghĩ là giống nhau, tôi vào năm 1995 rời khỏi trường đại học và bắt đầu khởi nghiệp, khởi nghiệp cực kì khó khăn, thăng trầm đủ loại, thất bại vô số lần, rồi tôi nhận ra các doanh nghiệp nhỏ gặp nhiều khó khăn quá, mãi tận hôm nay, kể cả trên toàn thế giới, những doanh nghiệp nhỏ vẫn luôn gặp nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp quốc hữu có nhà nước hỗ trợ, doanh nghiệp nước ngoài thì dựa hơi người phương Tây, chỉ có doanh nghiệp nhỏ là không ai lo. Cách giải quyết duy nhất là chúng ta làm thế nào để lợi dụng công nghệ, dùng sức mạnh của công nghệ để giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ. Làm TMĐT, chúng tôi chỉ chú trọng vào các doanh nghiệp nhỏ, chúng tôi không nhấn vào các doanh nghiệp lớn.

Như tôi đã từng nói, muốn thay đổi những người đã thành công là cực kì khó, vì thế, giúp đỡ những người muốn thành công mới là điều cốt lõi mà chúng tôi nhắm đến.

Tôi chỉ là một người bình thường, chẳng COCC gì — Giá trị quan và tư tưởng là giá trị cạnh tranh cốt lõi của Alibaba

Yếu tố quyết định sự thành công của Taobao là ngày ấy chúng tôi nhắm vào thị trường những người trẻ độ tuổi 20. Nếu 7, 8 năm trước bạn bảo đi thuyết phục những người 40, 50 tuổi đi mua hàng trên mạng là điều không thể, họ sẽ cho bạn một vạn cái lí do, nào là lên mạng không an toàn, là nguy hiểm. Nói chung nếu bạn đi thuyết phục những người đã thành công, họ sẽ cho bạn một vạn cái lí do, chỗ này không được, chỗ kia không thông. Chính vì thế, chúng tôi phải nghĩ ra cách thuyết phục những người cần được giúp đỡ, thuyết phục những người khát vọng thành công. Vì thế, chúng tôi luôn cho rằng, chỉ cần trên thế giới này còn những lời oán trách, còn những rắc rối, xuất hiện đủ loại bất mãn thực tại, thì đều là cơ hội để chúng ta phát triển.

Chính vì vậy, mục tiêu mà chúng tôi xác định suốt hơn 10 năm qua, nếu là làm để 10 năm sau cần, thì hôm nay chúng tôi bắt tay vào làm. Chính vì chúng tôi luôn kiên định điều này, chúng tôi ở Hàng Châu, chúng tôi và mọi người là như nhau, bạn thấy đó, tôi không có 1 ông bố giàu có, không có 1 ông bố có quyền lực, đến cả ông chú có quyền lực cũng không có, dù rằng nhà tôi có tận 3 ông chú.

Vì vậy, hôm nay làm việc ngày mai thành công liền, chắc chắn không tới lượt chúng ta, năm nay làm việc năm sau kiếm ra tiền, chắc chắn cũng không tới lượt chúng ta, chúng ta chỉ có thể làm việc năm nay mà 10 năm sau thành công, đồng thời còn phải kiếm người cùng chung chí hướng với mình mà làm, sức một người không thể thành công được. Hồi ấy, chúng tôi không kiếm được người, năm 1999 tôi thật sự không nghĩ có ngày mình sẽ được đến Đại học Bắc Kinh thuyết trình.

Hồi ấy, đồng nghiệp của tôi đều bảo, chúng ta thật sự không kiếm được người, tôi đành bảo, không có người thì đành vậy. Năm 2001, 2002, chúng tôi đứng trên phố, chỉ cần người biết đi, không tàn tật quá nặng đến ghi danh, chúng tôi đều nhận. Chúng tôi nỗ lực dùng sứ mệnh của công ty, dùng giá trị quan của công ty thuyết phục họ, thay đổi họ.

Kì thực, điều mà Alibaba tự hào nhất là, chúng tôi đã thật sự ảnh hưởng tư tưởng, giá trị quan và thái độ sống của nhiều người trong công ty Alibaba. Nhiều đồng nghiệp rời bỏ Alibaba, hiện tại chúng tôi có khoảng 25.000 người, 60.000 người từng gia nhập Alibaba, nghĩa là 40.000 người trong 15 năm qua đã rời bỏ chúng tôi, bạn hỏi họ đã trăn trở xiết bao khi đưa ra quyết định này.

Dạo trước, đồng nghiệp cũ viết thư cho chúng tôi, bảo tại sao rời bỏ Alibaba lại trăn trở như thế? Kì thực, công ty của chúng tôi cũng rất “trăn trở”, nó không giống các công ty khác, chúng tôi theo chủ nghĩa cực kì lí tưởng hóa.

Nhưng tôi tin rằng, những người theo chủ nghĩa lí tưởng hóa chân chính, những người đó mới là người thực tế nhất, bạn vừa phải sống, vừa phải theo đuổi lí tưởng của mình, quả thật sống rất cực. Nhưng tôi tin rằng, sản phẩm đầu tiên của Alibaba là nhân viên của chúng tôi, sau đó mới là phần mềm, là kĩ thuật, tiếp theo đó mới là Taobao. Vì thế, chỉ khi nhân viên của chúng tôi thay đổi rồi, trưởng thành rồi, thì khi đó khách hàng của chúng tôi, sản phẩm của chúng tôi mới thay đổi. Đây là điều mà chúng tôi kiên định.

Hồi bốn năm năm đầu, khi mà Alibaba mới thành lập, mỗi lần có nhân viên mới đến, tôi nhất định sẽ dành 2h đồng hồ để nói chuyện với họ, tôi nói rõ rằng, tôi chắc chắn không hứa hẹn bạn sẽ có tiền, không hứa hẹn bạn sẽ lên được manager, không hứa hẹn bạn sẽ mua được nhà, mua được xe, nhưng chúng tôi chắc chắn, khi đến đây, các bạn sẽ có nước mắt, nỗi ấm ức, xui rủi, mấy cái này thì công ty tôi không thiếu cái nào, nhất định cho các bạn đủ. Đứng phía trước là những nhân viên lão thành của Alibaba, họ cũng nghe tôi nói thế, tôi bảo đến với công ty của chúng tôi chỉ có nỗi ấm ức và ai oán. Ngày đó, mọi người thích vào IBM, Microsoft, bây giờ tôi thấy mọi người không hứng thú với họ rồi. Xét trên phương diện môi trường làm việc, Taobao, Alibaba không tệ hơn họ, nhưng tại sao tôi nhất quyết phản đối việc thành lập hệ thống xe công ty. Nhiều người bảo sếp ơi nhà em ở xa, đi về hơn cả tiếng đồng hồ, đôi khi tiếng rưỡi, có xe công ty tiện hơn. Tôi bảo, các bạn muốn cái gì tôi cũng có thể phê duyệt, riêng chuyện xe là không thể. Tại sao? Bởi vì tôi thấy nhiều doanh nghiệp quốc hữu có hệ thống xe đưa rước nhân viên, tất cả đều phá sản hết.

Tôi nhớ hồi mình còn làm giáo viên đi dạy ở các trung tâm ban đêm, đạp xe ngang qua cổng mấy công xưởng, thấy nhiều người xếp hàng đợi lên xe, sau này, tôi cũng đứng đợi xem sao, đúng 5h chuông vừa reng, xe công ty chờ tới, mọi người về nhà hết. Họ không thích làm việc nữa. Tôi nghĩ nếu chúng ta quan tâm nhân viên, yêu mến nhân viên, họ sẽ dậy sớm để ngồi xe đến công ty, những người mà cần người khác sắp xếp giùm thì không cách nào thành công được. Alibaba là một tập thể khá hòa thuận, kì thực điều này chúng tôi thấy Đại học Bắc Kinh và Alibaba chẳng khác nhau mấy.  Ngày trước hầu hết những người đến Hàng Châu kiếm việc, chúng tôi không sắp xếp cho họ chỗ ở. Tôi nói nếu anh đến cái phòng ở cũng không kiếm được thì tôi không tin anh là một người tài, tự kiếm phòng đi. Anh phải tự mình liên lạc, tự giao tiếp mọi người. Chúng tôi không cần dạng người chỉ cần đọc sách là biết làm việc, chúng tôi cần người biết “cách sống”, chúng tôi đề xướng việc “Sống nghiêm túc, làm việc vui vẻ”.

Công việc không cần phải quá nghiêm túc, nhưng sống phải nghiêm túc, chỉ khi nghiêm túc đối xử với cuộc sống, thì cuộc sống mới nghiêm túc lại với chúng ta, công việc chỉ là một phần cuộc sống, công việc không phải là tất cả của bạn. Công việc nếu áp lực quá lớn, thì sẽ không vui vẻ, mà nếu thế thì không cách nào sáng tạo được.

Vì thế, tôi cho rằng giá trị cốt lõi của Alibaba là nằm ở nhân viên, mọi người muốn làm việc cùng nhau. Đương nhiên, chúng tôi từ hơn 60.000 nhân viên giảm còn 25.000 nhân viên, cá nhân tôi nghĩ những người ra đi có muôn ngàn cái trăn trở. Người ngoài nhìn vào bảo rằng Alibaba là công ty tẩy não nhân viên, chúng tôi gọi đó là do giá trị quan của công ty ảnh hưởng lên nhân viên. Tôi chưa từng lừa mọi người, tôi nói, sau khi vào công ty, khách hàng mục tiêu của chúng ta vẫn sẽ là doanh nghiệp nhỏ, vẫn kiên trì làm TMĐT. Lúc nhân viên vào công ty, tôi có nói với họ rằng, các bạn sẽ có nước mắt, bi ai, oán trách, xui rủi, mỗi ngày đi làm đều tăng ca đêm, nói chung rất cực, tôi chưa bao giờ lừa dối họ.

Nhà khởi nghiệp nên có tư duy như thế nào?

Nhà khởi nghiệp nhất định phải lạc quan, nếu gia nhập Alibaba, bạn không lạc quan, không dám đưa ra những phán đoán về sự phát triển của tương lai, bạn không thể kiên trì được. Mỗi người chúng ta đều muốn khởi nghiệp, đều muốn thành công, kì thực, thành công thật sự đến từ thành công trong tim bạn, bạn phải biết chia sẻ, biết lắng nghe, biết thỏa hiệp, biết kiên trì. Những cái này học được rồi, tự khắc những việc khác cũng học được. Tôi không biết về tech, tôi không biết về kiểm toán, các bạn đi hỏi nhân viên trong Alibaba, có lúc nào tôi nói với họ rằng năm nay chúng ta kiếm được bao nhiêu không. 15 năm qua, tôi chưa bao giờ tốn 15 phút đi thảo luận chuyện làm sao kiếm tiền. Tôi chỉ dành thời gian để huấn luyện nhân viên lúc cười khi đến sau đó khóc, rồi lại học cách cười, đối diện với tất cả thử thách, chúng ta phải xử lí thế nào. Bởi vì, nhân viên của tôi thay đổi rồi, chúng tôi và xã hội mới thay đổi. Vì thế, công ty chúng tôi suốt 15 năm qua chưa bao giờ thay đổi sứ mệnh của mình, chúng tôi phải làm cho trên thế giới này không ai không thể khởi nghiệp, chúng tôi kiên trì giá trị quan mà mình theo đuổi, chúng tôi kiên trì ngay cả lúc chúng tôi chưa có gì, chúng tôi vẫn hướng về tương lai, hôm nay công ty chúng tôi có lợi nhuận rồi, chúng tôi vẫn hướng về tương lai.

Tôi nghe mọi người bàn bạc nhiều, mặc dù tôi không hiểu về tech, nhưng tôi hi vọng Alibaba có thể làm cho các kĩ thuật khô khan ấy có sức sống, chúng tôi mong truyền linh hồn cho các số liệu.

Tôi xem rất nhiều nhân viên kĩ thuật ngồi hàng giờ trong phòng nghiên cứu, cuối cùng chẳng có ích gì, bao nhiêu công nghệ chết trong phòng thí nghiệm, chỉ khi sống và bước ra khỏi phòng thí nghiệm thì đó mới là công nghệ tốt. Sáng tạo ra giá trị xã hội, mang lại lợi ích cho hàng ngàn người, đó mới là công nghệ tốt. Tôi cho rằng, bất luận Alibaba thế nào, nó cũng đang có hơn hàng vạn doanh nghiệp nhỏ đang dùng, có hàng chục triệu người dùng, vì thế tôi cho rằng Alibaba đang sở hữu công nghệ tốt. Ngoài ra, chúng tôi có thể tiếp nhận 17.000.000 lượng visitors trong 1 phút, tôi cho rằng đây là công nghệ tốt. Chúng ta phải làm sao để trong thời đại kĩ thuật số sắp đến, làm cho số liệu có linh hồn? Mấy ngày nay tôi cứ nghĩ vẩn vơ, vì tôi không rành tech, tôi không sợ mất mặt với mọi người, tôi có quyền nghĩ vẩn vơ. Máy tính lợi hại hơn người vì nó thông minh hơn, ngày bé chúng ta bảo người thông minh là người có trí nhớ tốt, nhìn qua là nhớ liền. Ngày bé chúng ta học thơ Đường, ai học thuộc nhiều thì người đó thông minh, học toán ai thông minh thì người đó tính nhanh. Ngày bé, tôi học toán thì tính không lẹ bằng người ta, học thơ cũng chẳng giỏi giang gì, nhưng hôm nay có máy tính rồi thì nó thay thế hết tất cả. Tiếp theo là gì, điều đáng sợ hơn là khi công nghệ chứa data rồi, thì không chỉ nó thông minh hơn bạn mà “tình cảm” nó còn phong phú hơn bạn. Máy tính vốn dĩ chưa rất nhiều “tình cảm”, các loại data mà người ta giao lưu, chia sẻ hằng ngày nó đều lưu giữ. Nếu thật sự có một ngày, máy tính khôn hơn bạn, hiểu biết tình cảm sâu hơn bạn, đó quả là điều đáng sợ. Tôi cho rằng chúng ta phải làm sao để công nghệ giàu sức sống hơn, để data có linh hồn hơn, làm sao để chuyển hóa những data này thành giá trị xã hội.

Kì thực, Alibaba không phải là một công ty bình thường, nếu có cơ hội hợp tác với các bạn ngồi tại đây, nếu các bạn thật sự có ghé mắt tới Alibaba, vì quả thật công ty chúng tôi không có sinh viên đến từ Đại học Bắc Kinh. Ngày trước chúng tôi mời, các bạn cũng không đến, vì thế ngày trước tôi chỉ toàn kiếm sinh viên hạng nhất trong các trường hạng ba, chẳng hạn như Đại học Sư phạm Hàng Châu. Cá nhân tôi cảm thấy rất tốt, đó là ngôi trường tốt nhất TQ, vì các bạn ấy chịu khó, rất cố gắng mặc dù học hành chả ra làm sao, nhưng quan trọng là họ không kiêu ngạo. Vì thế, nếu chúng ta có cơ hội hợp tác, mong mọi người hãy nhớ rằng Alibaba không phải là một công ty bình thường, chúng tôi cho rằng Internet không phải chỉ phục vụ cho mục đích kiếm tiền, nó có thể thúc đẩy xã hội phát triển, thay đổi xã hội, tác động xã hội. Đây là những gì mà công ty chúng tôi đang làm.

Vì thế, các bạn mới phát hiện công ty chúng tôi rất kì quái, chúng tôi quậy tưng bừng lĩnh vực tài chính, vốn dĩ là để quậy Tencent, nhưng kết quả là chúng tôi bị Tencent quậy ngược lại rồi.

Niềm vui của chúng tôi không phải là kiếm bao nhiêu tiền, mà là bởi vì có chúng tôi, nên xã hội mới thay đổi nhiều đến thế. Đây mới chính là niềm vui của chúng tôi. Vì có chúng tôi nên xã hội mới thay đổi, như thế càng thể hiện rõ chúng tôi quan trọng. Bởi vì có chúng tôi, Ngân hàng Công Nông Trung Kiến mới không sống nổi, nó phải thay đổi, đây là niềm vui của chúng tôi. Rốt cuộc Yu’E Bao kiếm được bao nhiêu tiền? Chúng tôi không kiếm tiền, các ngân hàng đã kiếm quá nhiều tiền, nó cần phải nghiêm túc thay đổi thái độ phục vụ, phải biết coi trọng khách hàng. Chúng tôi dùng kỹ thuật Internet để giúp hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ đoàn kết lại, giúp người tiêu dùng đoàn kết lại, chỉ có như vậy, cái xã hội này mới đoàn kết lại, mới phát triển được.

Chú thích: Yu’e bao (余额宝) là dịch vụ đi kèm của Alipay được Alibaba đưa ra thị trường vào tháng 6 /2013. Khi gửi tiền vào đó, nó sẽ sinh lợi tức nhưng đồng thời người dùng vẫn có thể sử dụng tiền đó mua sắm bình thường. Ngày trước, Alipay vốn phụ thuộc vào dịch vụ online banking của các ngân hàng, thì giờ đây với việc tung ra Yu’e bao, Alibaba đã chính thức tuyên chiến với các ngân hàng, tự thành lập thị trường cũng như hệ thống lưu thông tiền tệ cho riêng mình.

Gần đây, có người phê phán chúng tôi, lúc thì chú trọng y tế, lúc thì chú trọng ngành văn hóa giáo dục, kì thực, hướng đi của chúng tôi rất rõ ràng. 10 năm sau, TQ sẽ xuất hiện những vấn đề gì? Chúng tôi cho rằng, 10 năm sau TQ sẽ có 2 vấn đề chính, một là vấn đề sức khỏe, hai là vấn đề về tư tưởng. Vấn đề về sức khỏe hôm nay, đó là chúng ta ô nhiễm không khí, là do nguồn nước, là do thực phẩm, 10 năm sau, người TQ sẽ có đủ thứ loại bệnh, chúng ta hôm nay cần phải đầu tư thế nào vào lĩnh vực y tế, để bệnh viện ngày càng ít đi, chất lượng bệnh viện ngày càng tốt hơn, chất lượng thuốc ngày càng tốt hơn nhưng giá thuốc ngày càng giảm đi, đó là những điều chúng tôi đang theo đuổi chứ không phải là xách thuốc lên bán trên mạng Taobao.

Hôm nay, kinh tế TQ phát triển thế này, nhưng văn hóa giáo dục TQ phát triển thế này. Đây là hai đường thẳng không bằng nhau. Ô nhiễm không khí ở TQ mãi mãi cũng không giải quyết được. Bởi vì trong túi người ta tiền đầy rồi, nhưng trong đầu con người lại rỗng tuếch, một dân tộc với những con người có cái đầu rỗng tuếch thật đáng sợ. Đầu tư vào văn hóa giáo dục cần phải được chú trọng gấp bội, đó là lí do vì sao chúng tôi hứng thú với lĩnh vực văn hóa giáo dục. Bởi vì 10 năm sau, chúng tôi lo rằng nếu không phát triển văn hóa TQ, thật là điều đáng lo lắng. Các bạn đi nhìn nước Mỹ phát triển thế nào, bất luận là cố ý hay vô tình, chiến lược của Nhà Trắng, thực lực quân sự của The Pentagon, tiền của phố Wall, công nghệ của thung lũng Silicon, giá trị quan của Hollywood, chúng tôi cho rằng văn hóa giáo dục không phải là trách nhiệm của riêng ai, mà là trách nhiệm của mỗi người, là mỗi chúng ta tận dụng tốt kiến thức của mình, nỗ lực từng chút một. Đến tận hôm nay, tôi chưa bao giờ bán 1 chiếc quần áo nào, nhân viên Taobao chưa bao giờ bán bất kỳ cây bàn chải nào, nhưng một ngày chúng tôi phải giao dịch sáu bảy tỷ món hàng. Chúng tôi vẫn phải bán, tại sao chứ? Bởi vì nơi đây tập trung hàng triệu doanh nghiệp nhỏ, đoàn kết họ lại, chúng ta có được một lực lượng hùng hậu. Vì thế, niềm vui của chúng tôi là, bởi vì có chúng tôi mà thế giới thay đổi. Cho nên, mỗi lần có nhân viên gia nhập, chúng tôi đều bảo, chúng tôi không hoan nghênh các nhà khởi nghiệp gia nhập công ty chúng tôi, bởi vì bạn gia nhập công ty chúng tôi nghĩa là bạn đang giúp đỡ người khác khởi nghiệp trong khi rõ ràng bản thân bạn biết rõ khởi nghiệp rất gian khó. 100 người hết 95 người chết, lúc chết đôi lúc còn chưa kịp kêu thành tiếng, những người còn lại chỉ biết nhìn họ chết, đây là quá trình rất gian khổ.

Ngày hôm nay, chúng ta cùng đứng trên 1 đường đua

Mấy ngày nay, vấn đề mà tôi suy nghĩ nhiều nhất đó là, thương nhân đều bị người khác coi thường, “công nông thương”, trong đó “thương” lại bị cho rằng mục đích chính là vì lợi nhuận, kì thực, thương mới chính là yếu tố quan trọng mà xã hội cần phải chú trọng.

Hôm nay chúng ta cần phải chứng minh cho họ thấy, Thương nhân cũng có thể ôm trọn cả thiên hạ, chúng ta có thể hoàn thiện xã hội này. Tiền đối với chúng ta mà nói, quan trọng không? Kiếm không được tiền, thì anh đến cái tên “Thương Nhân” cũng không được gọi, nhưng kiếm được tiền, thì anh chắc chắn không phải là một thương nhân tốt.

Các bạn ngồi ở đây, có nhiều người vẫn còn học đại học, những gì mà hôm nay tôi nói, có thể các bạn vẫn chưa hiểu hết, nhưng 10 năm, 20 năm sau, bạn có thể sẽ hiểu, khi bạn có 1.000.000 tệ, bạn là người hạnh phúc, khi có 10.000.000 tệ, rắc rối tới rồi, bạn suy nghĩ liệu có nên gửi ngân hàng, nếu gửi ngân hàng thì nên gửi ngân hàng nào, Ngân hàng Kiến Thiết hay Ngân hàng Nông Nghiệp? Bạn có 100.000.000 tệ hay 10.000.000.000 tệ, thì tiền này không phải là của bạn, mà người khác tin tưởng bạn, giao cho bạn, bởi vì xã hội tin tưởng rằng giao số tiền này cho bạn, bạn sẽ làm ra hiệu suất “sinh tiền từ tiền” cao hơn. Tôi chưa bao giờ nghĩ tiền trong Alibaba là của tôi, chúng ta không nên nghĩ như thế, tiền này là của xã hội, của đồng nghiệp, của khách hàng bởi vì họ tin bạn quản lí tiền này tốt hơn họ, đầu tư tiền này tốt hơn họ, nên nhờ bạn đầu tư giùm.

Vì thế, tôi muốn chia sẻ với mọi người, hôm nay nước Mỹ có những công ty khiến người ta kính nể, TQ cũng có thể có, huống chi chúng ta và họ sống cùng thời đại với nhau, Internet cho chúng ta rất nhiều cơ hội, tại sao trong thời đại Internet ngày nay TMĐT TQ phát triển nhanh hơn Mỹ? eBay rất lợi hại, Amazon thì chúng tôi cũng khá là khâm phục, nhưng hai anh này cộng lại chưa lớn bằng Taobao, điều này không phải vì chúng ta giỏi hơn họ, hay tại thị trường TQ lớn, cũng không phải vì thị trường TQ lớn, mà vì vốn dĩ nền thương mại TQ quá tệ lậu.

Nền thương mại Mỹ có môi trường phát triển tốt, Wal-Mart phổ biến toàn nước Mỹ, đến cả thành phố cấp 3, cấp 4 cũng có, ra cửa là mua được thứ mình cần nên TMĐT rất khó phát triển, TMĐT chỉ có thể là dụng cụ bổ trợ. Trong khi đó, hệ thống siêu thị TQ tệ không chê vào đâu được, nhờ thế mà chúng tôi phát triển được.

Ngày trước có người bảo tôi rằng, China Mobile phát triển nhanh quá, thật ra không phải China Mobile giỏi, họ làm cứ làm thôi, đó là vì China Telecommunications quá tệ. Đôi lúc, cái tốt của ngày hôm qua, lại là điểm yếu của ngày hôm nay. Hôm nay cuối cùng chúng ta cùng đứng trên một đường đua, vì thế tôi mong trong thời đại số liệu (Big data), IT và DT, cơ sở vật chất của nước Mỹ là rất tốt, nhưng chưa chắc họ sẽ vượt qua chúng ta, dẫn dắt chúng ta, các bạn nên nhớ muốn lật đổ người dẫn dắt là cực khó, một công ty có IT tốt, khi phát triển sang DT nó sẽ rất bi thảm. Ví dụ như nói về trình độ IT của Bộ giao thông đường sắt TQ, chắc chắn rất giỏi, nhưng tại sao nó bán không được vé? Nguyên nhân rất đơn giản, từ IT phát triển sang DT rất khó, từ PC phát triển sang mạng không dây rất khó. Vì thế, dù rằng hệ thống IT của nước Mỹ rất tốt, nhưng nó cũng có cái khó của nó, đây chính là cái khác biệt giữa IT và DT. Đây không đơn thuần là cuộc cách mạng về công nghệ, nó còn là cuộc cách mạng về tư tưởng. IT chủ yếu là phục vụ cá nhân hóa, thông qua biện pháp cá nhân hóa để quản lí và khống chế mọi việc tốt hơn, nhưng DT là kích thích sức sản suất, làm cho người khác sống tốt hơn bạn. Bản chất của DT là tin rằng người khác thông minh hơn bạn, IT lại cho rằng tôi giỏi hơn bạn, bởi vì tôi có nhiều thông tin mà bạn không có.

Vì thế, trong thời đại này, chúng ta là cùng trên một đường đua. Hôm qua chúng ta có nhiều thứ không tốt, nhưng hôm nay tốt rồi. Mỗi bạn học sinh có mặt tại đây đều rất may mắn, vì nếu sinh sớm 20 năm chắc là không có cơ hội, sinh muộn 20 năm cũng không có cơ hội, kì thực các bạn phải thấy rõ, cơ hội mỗi ngày đều có. Tôi đi đến các nước, tôi cho rằng nếu muốn khởi nghiệp, có hàng ngàn cơ hội. Nhưng nếu như có một nhóm bạn cùng chung chí hướng kết hợp với nhau, bắt lấy cơ hội, bắt lấy vận mệnh của đất nước mình, mới có thể tự mình tham gia vào những cải cách mang tính xã hội. Lúc đến Washington, tôi cũng có trao đổi với Greenspan, ông ấy đã 88 tuổi,  tôi nói cho ông ấy nghe về Yu’e Bao, ông ấy bảo mình đã học rất nhiều, còn có cách này nữa sao. Bởi vì lợi nhuận của nước Mỹ đều được thị trường hóa, căn bản không làm thế này được. Điều này nói lên vấn đề gì? Ngày nay, giới trẻ TQ không ngừng kêu ca cái này không được, cái kia không xong, chính mỗi cái không được, không xong đó là cơ hội để chúng ta khởi nghiệp. Thay vì than thở, tại sao chúng ta không biến nó thành hiện thực. Một mình bạn làm không được, thì kiếm người nào biết làm, rồi cùng nhau làm, nếu bạn không biết làm, thì đi theo người biết làm học hỏi cũng được, đây chính là cơ hội, chứ đừng để mỗi ngày trôi qua vô ích, mỗi ngày ngồi đó mà hênh hoang tài năng của tôi không có chỗ dùng.

Cuối cùng, điều mà tôi muốn nói là, công ty chúng tôi đã luôn kiên định lối suy nghĩ này suốt 15 năm qua, dù 10 năm nữa, 100 năm nữa chúng tôi vẫn sẽ kiên định như thế, mỗi một giai đoạn, chúng tôi đều hi vọng chiêu mộ được những người ưu tú nhất, tỉ lệ nghỉ việc công ty chúng tôi có thể vẫn luôn là 60.000 giảm còn 25.000 người. Nhưng kì thực đây là điều mà mỗi chúng ta đều phải trải qua trong đời mình. Nhìn chung mà nói, chúng tôi tương đối may mắn, những người kiên trì đến cùng hiện nay đều có cuộc sống tốt.

Đương nhiên, những người rời xa chúng tôi không hẳn là sống tệ, nhưng tôi vẫn chưa nhận ra ai sống tốt. Bởi vì có lúc giá trị quan của anh thay đổi, anh cảm thấy không hài lòng với Alibaba nữa, thì khi đến một công ty khác, anh ta vẫn sẽ cảm thấy không hài lòng với công ty đó.

Tất cả những gì tôi trình bày với bạn, đây chính là công ty Alibaba của chúng tôi.

Được dịch bởi Nguyễn Phương Thy

Lời bình của người dịch:

Đương nhiên không phải đơn thuần mà giữa hàng trăm bài tôi từng đọc về Alibaba, tôi lại chọn bài này để dịch, vì đằng sau nó là cả chiến lược của Alibaba.

Thứ 1, nếu phân tích kĩ toàn bộ bài thuyết trình của Jack Ma, sẽ thấy ông mở hàng là màn đá đểu Baidu và Tencent. Vì hiện tại, hai ông lớn này đang dấn chân vào lĩnh vực TMĐT, trở thành đối thủ trọng yếu của Alibaba. Jack Ma nhấn mạnh tech của Alibaba là tốt nhất dù rằng Jack Ma không hiểu về tech. Nếu đọc kĩ, bạn sẽ thấy, đó là lối nói rất thuyết phục, nó thể hiện sự nhúng nhường cần có nhưng cũng thể hiện rõ ông tôn trọng đội ngũ kĩ thuật của công ty và ông đang kêu gọi những nhân tài rành về tech khác hãy về với ông, dù rằng ông không biết tech. Hơn nữa, nơi ông thuyết trình là Đại học Bắc Kinh – trường đại học giỏi nhất của TQ. Ông cần những người giỏi tech về với mình. Jack Ma hiểu, khi sản phẩm của chúng ta là như nhau, cuộc chiến về giá rồi cũng sẽ lưỡng bại cầu thương, TMĐT đến cuối cùng vẫn sẽ là cuộc đua về công nghệ, đây chính là điều làm nó khác biệt với kinh doanh offline truyền thống.

Thứ 2, Jack Ma đang PR cho Yu’e Bao và Alipay. Hiện tại, cuộc chiến của Yu’e Bao với các ngân hàng lần này là cuộc chiến lớn, Marketing trên diện rộng chứ không focus vào những người có tiền. Hiện tại hệ thống taxi ở Hàng Châu đã sử dụng Alipay để trả tiền. Lúc nào cũng sẽ là Hàng Châu thí điểm trước, vì trụ sở Alibaba ở Hàng Châu, nó hiểu thị trường này. Alibaba kích cầu bằng cách nếu hành khách trả tiền bằng Alipay sẽ được giảm 5 tệ mỗi cuốc xe, tài xế taxi sẽ nhận lại được những lợi tức nhất định từ Alipay. Tôi chỉ tính giá đơn giản, giá taxi ở Hàng Châu, giá mở cửa, chạy 3km đầu là 10 tệ, bây giờ trả bằng Alipay chỉ tốn có 5 tệ, trong khi đó vé xe buýt là 2 tệ, nếu đi hơn 3 người thì ắt hẳn người dân lựa chọn đi taxi trong phạm vi 3 km. Đây là chiến dịch Marketing rất lớn vì nó spend tiền trên diện rộng. Hơn nữa nó chọn taxi làm phương tiện PR, thông qua đó educate cho người dân quen dần dùng điện thoại chi trả bằng Alipay chứ không bằng thẻ ngân hàng. Nếu Alipay đi vào đời sống người dân tới mức chỉ cần xách theo điện thoại là chi tiêu, thì việc xách thẻ ngân hàng là không cần thiết, hơn nữa thông qua hình thức PR này, Alibaba đạt được mục tiêu dịch chuyển người dùng từ PC sang mobile.

Thứ 3, là yêu cầu tuyển nhân viên và PR cho học viện Alibaba. Những lời mời chào sinh viên của Jack Ma ở Đại học Bắc Kinh đã làm “nhột” hầu hết sinh viên các trường hạng nhất ở TQ. Khi ông bảo mình chọn các bạn giỏi nhất của các trường hạng ba và nhận xét “các bạn ấy chịu khó, rất cố gắng mặc dù học hành chả ra làm sao, nhưng quan trọng là họ không kiêu ngạo”. Và trường ông ấy chọn là Đại học sư phạm Hàng Châu. Nhưng với những ai từng research CV của Jack Ma, sẽ biết ông tốt nghiệp đại học từ trường này. Năm 2008, ông đã kết hợp với giám hiệu nhà trường thành lập Học viện Alibaba ngay trong trường Đại học Sư phạm Hàng Châu. Khi vào học Học viện Alibaba, sẽ được dạy về TMĐT, khi ra trường được ưu tiên thực tập và làm việc trong Alibaba. Một hình thức PR cho Học viện của mình khi ông đưa ra lời nhận xét về Đại học Sư phạm Hàng Châu.

Thứ 4, không phải đơn thuần mà Jack Ma chọn ghé Đại học Bắc Kinh vào lúc này, thời gian này ở TQ đang là đợt tuyển dụng xuân dành cho các bạn tốt nghiệp tháng 6 năm 2014. Màn ghé thăm đại học Bắc Kinh của Jack Ma, thực chất là màn ăn miếng trả miếng với CEO của Baidu.

Ở TQ, trong một năm, sinh viên sẽ có 2 mùa tuyển dụng: mùa thu và mùa xuân.

Tháng 10/2013, vào đợt tuyển dụng mùa thu dành cho các bạn tốt nghiệp tháng 6 năm 2014, đích thân Robin Li – CEO Baidu đã đến ZJU – một trường ở Hàng Châu thuyết trình về “Công nghệ làm cho ước mơ thêm vĩ đại”, cuối bài thuyết trình kèm theo đó là một loạt câu giới thiệu về môi trường làm việc của Baidu. Nhưng vì trong mùa tuyển dụng, nên những giới thiệu của Robin Li không hề có vẻ gì là PR, ngược lại nó còn mang tính chia sẻ, ông bàn về về tinh thần sáng tạo của ZJU – cái trường này châm ngôn của nó là sáng tạo, và tự “mai mối” tinh thần sáng tạo này giống Baidu. Lạy hồn! Bữa nào rảnh tôi sẽ dịch bài thuyết trình của Baidu ở ZJU, nó cũng bá đạo không kém bài của Jack Ma. Hơn nữa việc Robin Li đích thân xuất hiện tại ZJU đã thể hiện ông coi trọng nguồn lực sinh viên trường này. ZJU nằm ở Hàng Châu, Hàng Châu đó giờ được biết như mảnh đất của Alibaba. Việc Robin Li đến ZJU, sự kết hợp giữa một trường hạng nhất và một công ty hạng nhất, được báo chí TQ xào nấu thành một loạt bài PR, cộng thêm Baidu vốn làm ở lĩnh vực search, thế là nó tự SEO sếp nó lên top ngay và luôn. Trong cuộc chiến truyền thông vào đợt tuyển dụng mùa thu năm 2013, Alibaba đã thua Baidu trên chính sân nhà của mình.

Và năm nay, Alibaba dẫn binh đến Đại học Bắc Kinh, với ai có tìm hiểu về Robin Li sẽ biết, CEO của Baidu vốn tốt nghiệp từ Đại học Bắc Kinh, trụ sở chính công ty Baidu ở Bắc Kinh, đây là mảnh đất của Baidu. Nhưng trên cuộc chiến tuyển dụng giữa các trường đại học, xét về mặt truyền thông, có vẻ Alibaba thua rồi về độ phủ rồi. Vì đợt tuyển dụng mùa xuân, thường sinh viên đã tìm được việc làm, nên Alibaba chỉ có thể xem đợt thuyết trình này như cú đệm cho chiến dịch mùa thu sắp tới. Sinh viên các trường top trên luôn là nguồn lực “sáng tạo” mà các công ty này nhắm đến. 

Thứ 5, buổi thuyết trình của Jack Ma có quá nhiều cái tít được giựt dưới nhiều phương diện khác nhau, về mảng giựt tít này thì Alibaba phong phú hơn Baidu hồi tháng 10/2013. Vì nội dung bài thuyết trình của Alibaba sâu sắc và góc cạnh hơn của Baidu.

Điều mà tôi tâm đắc nhất trong bài thuyết trình của Jack Ma là: nó vừa thể hiện đây là bài thuyết trình truyền nghị lực cho sinh viên, nó chỉ sinh viên phải khởi nghiệp thế nào, nó đồng nghĩa chữ “khởi nghiệp” = Alibaba. Một sự đánh đồng định nghĩa hết sức tinh vi. Bên cạnh đó, nó còn thể hiện được thế thống trị của Alibaba về công nghệ so với hai ông lớn khác là Baidu và Tencent trong nền TMĐT TQ. Nhưng quan trọng hơn, nó PR được sản phẩm chủ đạo Yu’e Bao.

Đứng ở nhiều góc độ, cá nhân tôi cho rằng bài thuyết trình của Jack Ma tại Đại học Bắc Kinh là một bài PR được viết rất tinh tế, mỗi câu chữ đúng thật đều thực hiện được ý đồ “một mũi tên bắn chết hai con nhạn”, từ cấu tứ, cách lập ý đến lối dẫn chuyện, đến độ dài câu đoạn cho từng sản phẩm đều rất hợp lí. Mặc dù đây là một bài PR nhưng những phân tích xác đáng được dẫn ra trong bài cũng như những giá trị tinh thần mà nó mang lại cho người đọc là không thể phủ nhận.

Các công ty TQ thường đi thuyết trình tại các trường đại học trong nước để thu hút sự chú ý của sinh viên về công ty mình. Đây là một hình thức PR đáng nghiên cứu, bởi nó không tốn tiền mà còn được thể hiện một cách khéo léo dưới danh nghĩa truyền nghị lực cho sinh viên. Nếu xét trên phương diện lợi ích, thì đây là hình thức win-win cho cả nhà tuyển dụng và người xin việc. Hơn nữa, sinh viên là khách hàng mục tiêu tương đối dễ khai thác của TMĐT, bởi nói như Jack Ma: “Nếu bạn đi thuyết phục những người đã thành công, họ sẽ cho bạn một vạn cái lí do, chỗ này không được, chỗ kia không thông. Chính vì thế, chúng tôi phải nghĩ ra cách thuyết phục những người cần được giúp đỡ, thuyết phục những người khát vọng thành công”. Và sinh viên chính là thị trường đó.

Với những người đang làm TMĐT, chúng ta thấy được gì từ những chiến thuật này?

Những chia sẻ chân thật của Jack Ma về khởi nghiệp liệu có đủ thôi thúc bạn bước đi trên con đường chông gai đó?

Bạn muốn khởi nghiệp nhưng nếu bạn chỉ là một người bình thường, không quan hệ, không COCC thì phải làm sao? “Hôm nay làm việc ngày mai thành công liền, chắc chắn không tới lượt chúng ta, năm nay làm việc năm sau kiếm ra tiền, chắc chắn cũng không tới lượt chúng ta, chúng ta chỉ có thể làm việc năm nay mà 10 năm sau thành công, đồng thời còn phải kiếm người cùng chung chí hướng với mình mà làm, sức một người không thể thành công được.” Đây là kinh nghiệm xương máu của Jack Ma, một người đã thay đổi cả nền TMĐT TQ. 3 năm ở TQ, ngay tại Hàng Châu, tôi đã tự mình nghiệm chứng những cải cách xã hội mà Jack Ma tạo ra.

Hẳn nhiên, bài thuyết trình của Jack Ma gợi trong tôi nhiều chiến lược về Marketing cũng như cách viết bài PR, vì dù sao tôi cũng xuất thân từ ngành báo, nhưng hơn hết bài dịch này là dành tặng cho những ai đã và đang muốn khởi nghiệp.

Chào thân ái và chúc may mắn, tất cả bạn của tôi!

Nguyễn Phương Thy

Tin tức mới nhất

Hiệu ứng chim mồi và việc loại bỏ con chim mồi trong kinh doanh

"Hiệu ứng chim mồi" và việc loại bỏ con chim mồi trong kinh doanh

10-09-2017

Hiệu ứng chim mồi có nghĩa là bạn đưa ra một mồi nhử để lôi kéo khách hàng lựa chọn đúng món hàng mà bạn mong muốn.

Top